Cuộc họp dự kiến sẽ nhắc lại cam kết của Nhật Bản trong việc hợp tác với các nước này trong nhiều vấn đề như an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và ứng phó thảm họa nhân đạo. Dự kiến sẽ không có tuyên bố chung nào từ cuộc họp này có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương tổ chức vào tháng 7 tới.

Nhật Bản và các quốc đảo Thái Bình Dương trước đó đã khởi động khuôn khổ đối thoại quốc phòng đa quốc gia vào tháng 9/2021.

Vào đầu tháng 3, Tokyo cho biết sẽ mời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của 14 quốc đảo ở khu vực Nam Thái Bình Dương tới Tokyo để tham dự cuộc gặp đa phương với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara vào ngày 19/3 và 20/3.

Với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, cuộc họp nhằm tăng cường sự tham gia của Nhật Bản với các quốc đảo về nhiều vấn đề an ninh. Đây sẽ là cuộc họp đa phương thứ hai với các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của các quốc đảo này, nhưng là cuộc họp đầu tiên được tổ chức trực tiếp. Cuộc họp trước đó vào năm 2021 được tổ chức trực tuyến do đại dịch COVID-19.

Fiji và Papua New Guinea - những quốc gia có quân đội riêng - sẽ cử đại diện tham gia là các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong khi những nước không có quân đội sẽ cử đại diện lực lượng cảnh sát và lực lượng bảo vệ bờ biển của họ.

Cuộc họp dự kiến sẽ xác nhận sự hợp tác giữa Nhật Bản và các quốc đảo Thái Bình Dương về những vấn đề đặc thù của các quốc đảo như an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và ứng phó thảm họa.

Tại cuộc họp trước, một tuyên bố chung đã được đưa ra trong đó bao gồm chính sách ngoại giao của Nhật Bản về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) với lưu ý đến việc mở rộng hàng hải ngày càng tăng của Trung Quốc.

Hội nghị các nhà lãnh đạo quần đảo Thái Bình Dương dự kiến sẽ được tổ chức tại Tokyo vào tháng 7 năm nay. Cuộc họp trong tháng 3 ở cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ đóng vai trò là cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 trên.